Ốm nghén khi mang thai và cách khắc phục

Trong quá trình mang thai, rất nhiều bà bầu khổ sở vì bị ốm nghén. Hiện tượng này gây ra các cảm giác buồn nôn khó chịu khiến bà bầu không thể ăn được gì. Vậy nếu mang thai bị ốm nghén thì cách khắc phục như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến các bà bầu những thông tin hữu ích về vấn đề này.

1. Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, bao gồm nhiều triệu chứng như : buồn nôn, nôn, mất ngủ,… Đây là triệu chứng liên quan đến buồn nôn hoặc nôn của thai kỳ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Thời điểm xảy ra triệu chứng buồn nôn và nôn ở các thai phụ là khác nhau. Tuy nhiên theo thống kê, trong giai đoạn mang thai thì khoảng 70% chị em, có triệu chứng buồn nôn từ tuần thứ 4 cho đến tuần 16. Khoảng 10% trong số này vẫn còn xuất hiện triệu chứng sau tuần thứ 20, thậm chí là đến khi sinh nở. Ở những người có cơ địa nhạy cảm thường biểu hiện nôn ói từ sớm và diễn ra rất nghiêm trọng, khó kiểm soát.

2. Nguyên nhân gây ốm nghén

Trong quá trình mang thai, đa số các thai phụ đều phải trải qua tình trạng thai nghén ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được làm rõ. Một số giả thuyết được đề xuất, là do sự thay đổi nội tiết tố của tuyến sinh dục ở người mẹ. Khi mang thai, cơ thể sẽ sản xuất một lượng lớn hormone progesterone làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa, khiến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản gây ra cảm giác buồn nôn.

Ngoài ra hormone này còn làm chậm khả năng tiêu hóa, gây ra chứng khó tiêu. Sau khoảng 48 – 72 giờ, lượng hormone có thể tăng gấp đôi và tiếp tục tăng lên trong suốt thai kỳ.

3. Đối tượng có nguy cơ bị Ốm nghén

Các triệu chứng thai nghén gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt cũng như công việc của thai phụ. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai không phải tất cả bà bầu đều có biểu hiện của thai nghén. Những bà bầu có nguy cơ cao bị thai hành đó là:

  • Bà bầu mới mang thai lần đầu.

  • Người có tiền sử bị nghén nặng ở lần mang thai trước đó.

  • Bà bầu quá béo, bị thừa cân.

  • Bà bầu đang mang song thai hoặc đa thai.

  • Bà bầu bị mắc bệnh nguyên bào nuôi, do sự gia tăng của tế bào bên trong tử cung.

4. Triệu chứng và phân loại ốm nghén

Triệu chứng

Các triệu chứng ốm nghén thường xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đặc biệt là khi có sự kích thích về mùi, vị của các thực phẩm như thịt, cá còn sống,… thai phụ sẽ có cảm giác buồn nôn và bị nôn mửa. Trong những trường hợp, nếu thai phụ nôn ói quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước. Đồng thời, sự nhạy cảm với mùi vị của thức ăn khiến mẹ bầu ăn không ngon và tỏ ra chán ăn.

Không chỉ thế, bà bầu còn luôn bị hoa mắt chóng mặt, nặng hơn là bị sụt cân vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, chúng ta có thể nhận thấy được sự mệt mỏi, thiếu năng lượng và không thể tập trung vào công việc khi bà bầu bị “thai nghén”.

Phân loại

Dựa vào mức độ của các triệu chứng mà có thể chia ốm nghén thành hai loại sau:

– Nghén thông thường:  Có khoảng 80% bà bầu bị thai nghén dạng này. Trong quá trình bị thai hành, bà bầu luôn cảm thấy mệt mỏi do các cơn nôn ói. Nhưng tình trạng nôn ói chỉ xảy ra với mức độ vừa phải, vẫn giữ được thức ăn trong dạ dày. Vì vậy, bà bầu không bị sút cân, đồng thời sau khoảng 12 – 20 tuần hoặc sớm hơn thì biểu hiện nôn ói cũng giảm dần.

– nghén nặng: Có khoảng 1 – 1,5% bà bầu bị thai nghén nặng. Trong khoảng thời gian này, bà bầu thường xuyên bị nôn ói và xảy ra với mức độ trầm trọng nên thức ăn trong dạ dày bị tống hết ra ngoài. Đồng thời, chán ăn và không ăn được gì đã khiến cho bà bầu bị giảm từ 2 – 10kg. Cơ thể bị suy nhược nên bà bầu rất hay mệt mỏi và chóng mặt. Tình trạng này thường bắt đầu từ 3 tháng đầu của thai kỳ và có thể kéo dài cho đến khi sinh nở.

Khi tình trạng nôn ói xả ra liên tục và không thể kiểm soát được, bà bầu nên đến cơ sở y tế để kiểm tra xem tình trạng thai nghén. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và nước tiểu để phát hiện dấu hiệu mất nước hoặc xét nghiệm các vấn đề về dạ dày – ruột của thai phụ. Vì rất có thể đây chính là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn ói.

Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định thực hiện siêu âm để xác định bà bầu có mang song thai hay có khối u trong tử cung hay không. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và có biện pháp làm giảm chứng nôn ói cho bà bầu.

5. Phòng ngừa và điều trị

Dù ốm nghén ở mức độ nào cũng đều gây ảnh hưởng đến bà bầu. Để khắc phục tình trạng này, bà bầu có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Để giảm triệu chứng nôn ói làm bạn mệt mỏi, bạn nên tránh tiếp xúc với các loại thực phẩm có mùi vị kích thích như: cá, thịt còn sống,…

  • Uống nước thường xuyên vì nôn ói nhiều sẽ khiến bạn bị mất nước. Khi uống, chỉ nên uống từng ngụm nhỏ và uống giữa các bữa ăn, việc này sẽ giúp bạn ngăn ngừa cảm giác buồn nôn.

  • Chia nhỏ bữa ăn và không nên để dạ dày trống vì sẽ khiến bạn cảm thấy buồn nôn hơn. Lúc này, bạn có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm giàu xơ, thức ăn ít đường, ít béo như bánh mì, cơm,… Đặc biệt, để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi, bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, sữa,…

  • Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi càng nhiều sẽ giúp bạn giảm bớt mệt mỏi, đồng thời tránh căng thẳng và lo âu vì sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

  • Sử dụng các sản phẩm được chế biến từ gừng như: trà gừng, bánh kẹo gừng có thể giúp bạn làm giảm buồn nôn và  ói mửa.

  • Phương pháp bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp cũng có hiệu quả giúp giảm cảm giác buồn nôn.

Đối với những bà bầu bị nôn nghén nặng, thì có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamin theo sự chỉ định của bác sĩ để giảm tình trạng nôn ói.

Ốm nghén khiến bà bầu cảm thấy rất khó chịu và mệt mỏi. Do đó, tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như công việc của thai phụ. Vì vậy, để giảm thiểu các triệu chứng thai nghén, bà bầu có thể áp dụng những biện pháp mà bài viết vừa chia sẻ. Nếu tình trạng nôn ói vẫn không thuyên giảm, bà bầu nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.