Mẹ bầu làm gì để dễ sinh con

Làm gì để dễ sinh là trăn trở của hầu hết các mẹ bầu. Đến kỳ sinh nở hầu hết các mẹ bầu phải chịu đựng những cơn đau đẻ kéo dài, dữ dội luôn là nỗi lo lắng, ám ảnh. Vậy làm thế nào để mẹ bầu vượt cạn với phương pháp sinh thường nhanh chóng, dễ dàng hơn.

1. Khi nào thì sinh thường?

Nếu đáp ứng được những điều kiện dưới đây thì bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên sinh thường để đảm bảo mẹ và bé có sức khỏe tốt nhất:

  • Mẹ bầu có sức khỏe thai kỳ tốt: Đây là điều kiện rất quan trọng để bà bầu có thể sinh thường. Nếu bà bầu gặp một số vấn đề rủi ro như mắc hội chứng đông máu, tiền sản giật,… thì sẽ không chỉ định sinh thường mà chuyển sinh mổ để đảm bảo an toàn;
  • Đường sinh của thai nhi không gặp cản trở: Quá trình sinh thường chỉ có thể diễn ra suôn sẻ nếu đường ra ngoài của thai nhi không gặp cản trở. Trường hợp thai phụ có các khối u cản đường sinh hoặc vị trí rau bám không thuận lợi,… thì bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp sinh mổ thay vì sinh thường;
  • Sức khỏe thai nhi tốt: Chỉ có sức khỏe tốt thì bé mới có thể vượt qua ống sinh sản và chào đời. Nếu bé gặp các vấn đề như dây rốn thắt nút, dây rốn quấn cổ, sa dây rốn,… thì bà bầu nên chọn sinh mổ;
  • Cân nặng thai nhi đạt chuẩn: Nếu trẻ có mức cân nặng đạt chuẩn so với cơ thể mẹ thì sẽ thuận lợi cho việc sinh thường. Trường hợp trẻ có cân nặng quá lớn thì sẽ gây khó khăn trong quá trình sinh thường, có thể cân nhắc sinh mổ;
  • Đường kính lưỡng đỉnh của bé và độ mở tử cung của mẹ thuận lợi: Những trẻ có đường kính lưỡng đỉnh (vòng đầu) lớn sẽ khó đi qua cổ tử cung của mẹ để ra ngoài. Bên cạnh đó, nếu cổ tử cung của mẹ mở nhỏ thì thai nhi cũng không thể sinh thường. Vì vậy, khi khám thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ về phương pháp sinh thường và sinh mổ phù hợp với vòng đầu của trẻ/độ mở tử cung của người mẹ;
  • Ngôi thai thuận: Nếu ngôi thai ngang hoặc ngôi thai ngược ngược thì trẻ sẽ không thể sinh thường mà cần can thiệp sinh mổ.

2. Ưu điểm của sinh thường

  • Giúp sản phụ phục hồi nhanh. Sau sinh khoảng 1 – 2 ngày, sản phụ đã có thể di chuyển, đi lại được;
  • Tử cung của sản phụ co hồi tốt hơn nên sản dịch nhanh hết, mất ít máu do sinh sản;
  • Giảm nguy cơ biến chứng tổn thương bàng quang, cục máu đông ở chân,… cho sản phụ;
  • Sản phụ sinh thường sẽ có sữa về nhanh hơn sinh mổ. Bé sơ sinh được bú mẹ sớm sẽ kích thích tăng trưởng và hệ miễn dịch sớm;
  • Trong quá trình chuyển dạ, bé sơ sinh sẽ được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi trong âm đạo nên hệ miễn dịch được kích thích sớm. Đồng thời, nhờ sức ép trong quá trình chào đời mà dịch trong phổi bé được đẩy ra ngoài nhiều hơn, bé có đường thở tốt hơn so với trẻ sinh mổ.

3. Những cách giúp mẹ bầu dễ sinh hơn

* Vận động nhẹ nhàng, thường xuyên khi mang thai:

Vận động thường xuyên giúp mẹ và bé khỏe mạnh và giúp cơ thể người mẹ thích nghi, quen dần với những thay đổi khi bé lớn lên, có đủ sức khỏe để trải qua giai đoạn vượt cạn sau này. Mẹ bầu có thể lựa chọn tập yoga, đi bộ, tập vận động nhẹ nhàng…

* Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và các nhóm thực phẩm sẽ giúp mẹ và bé đều khỏe. Chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng đầy đủ giữa các nhóm chất sẽ giúp mẹ bầu duy trì cân nặng phù hợp mà vẫn đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi.

* Tập thở đúng cách:

Tập thở đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình chuyển dạ. Mẹ bầu cần học cách hít thở đúng ngay từ trong thai kỳ vì hít thở sâu giúp lưu thông máu và không khí tốt hơn. Việc hít thở sâu cũng giúp bà bầu không bị hụt hơi, bình tĩnh và bớt đau trong quá trình sinh con.

Trong thời gian mang bầu, mẹ bầu có thể tham gia các lớp học tiền sản để được bác sĩ sản khoa hướng dẫn về cách hít thở, cách rặn đúng, giúp sinh thường dễ hơn và tránh gây những tác động xấu tới thai nhi.

* Massage bầu: 

Massage thường xuyên giúp bà bầu cảm thấy thư giãn, cơ thể điều hòa hơn. Bạn nên nhờ ông xã massage hoặc tham gia các lớp học massage để nắm được các điểm nhạy cảm trên cơ thể. Khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ, các bác sỹ cần kích thích lên những điểm nhạy cảm trên cơ thể để giúp bạn dễ dàng sinh nở.

Bạn có thể dùng dầu ô liu massage vùng đáy xương chậu trong giai đoạn cuối sinh nở sẽ giúp quá trình bé chào đời được dễ dàng hơn và các bác sĩ sẽ không cần dùng đến thủ thuật rạch âm hộ.