5 xét nghiệm quan trọng trong thời kỳ mang thai

rong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần làm các xét nghiệm để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

1. Xét nghiệm Double test và Triple test

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Viên – Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, Double test giúp kiểm tra và định lượng β-hCG tự do và PAPP-A có trong máu của thai phụ, kết hợp đo độ mờ da gáy bằng siêu âm và một số yếu tố khác như tuổi mẹ, tuổi thai… để đánh giá nguy cơ thai nhi bị mắc hội chứng Down, hội chứng Trisomy 13, hội chứng Trisomy 18. Còn xét nghiệm Triple test ngoài phát hiện hội chứng Down, hội chứng Trisomy 18 còn giúp tìm ra nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Thời điểm thực hiện xét nghiệm như sau:

  • Xét nghiệm Double test: Thai nhi được 11 – 13 tuần tuổi, tốt nhất vào tuần thứ 12
  • Xét nghiệm Triple test: Nên thực hiện từ tuần thai thứ 15 – 22, chính xác nhất là vào tuần thứ 16 – 18.

Mẹ bầu nên làm cả hai xét nghiệm này, đặc biệt với các mẹ là một trong các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như:

  • Phụ nữ có thai trên 35 tuổi
  • Tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh
  • Tiền sử mang thai dị tật di truyền
  • Đã từng bị sẩy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân
  • Bị đái tháo đường
  • Bị nhiễm virus trong quá khi mang thai.

2. Xét nghiệm máu

 Theo PGS.TS BS Nguyễn Nghiêm Luật (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC), các mẹ bầu đều phải làm xét nghiệm máu trước khi sinh theo chỉ định của bác sĩ để lấy các chỉ số hemoglobin, hematocrit và số lượng tiểu cầu. Sau khi thực hiện xét nghiệm mà kết quả cho thấy các chỉ số hemoglobin hoặc hematocrit thấp thì đó là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang bị thiếu máu, thiếu sắt làm ảnh hướng đến sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu sẽ nhận được lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa để cải thiện tình trạng đó.

Làm xét nghiệm máu không những giúp bác sĩ kiểm tra các thành phần của tế bào máu còn chẩn đoán mẹ bầu có bị mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như HIV/AIDS, bệnh lậu, giang mai, viêm gan B, viêm gan C… Vì trong mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ, mẹ bầu và thai nhi có nguy cơ mắc phải bệnh lý khác nhau nên cần thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.

3. Xét nghiệm nước tiểu

 Theo TS. BS. Lê Thị Thu Hà, Khoa Sản A – Bệnh viện Từ Dũ, xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là rất cần thiết. Lần đầu tiên khám thai, mẹ bầu sẽ được làm xét nghiệm nước tiểu để đánh giá những bệnh lý có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi như: Bệnh lý về thận, nhiễm trùng tiểu…

Khi thai lớn hơn 20 tuần tuổi sẽ được làm xét nghiệm này mỗi tháng để đánh giá và nguy cơ tiền sản giật. Thai kỳ có tiền sản giật nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.

4. Xét nghiệm rubella

Rubella là bệnh sốt phát ban lành tính, ảnh hưởng chủ yếu đến da và các hạch bạch huyết. Theo BS. Lê Hà Phương, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, phụ nữ mang thai mắc bệnh rubella thì rất nguy hiểm vì bệnh có thể lây từ mẹ sang con. Nếu thai nhi bị nhiễm rubella, khi sinh ra dễ gặp phải các biến chứng như bị bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển…

Vì vậy, việc thực hiện xét nghiệm rubella là rất cần thiết với những mẹ bầu chưa từng tiêm phòng rubella cũng như chưa từng mắc bệnh này trước khi mang thai. Xét nghiệm nên được thực hiện từ tuần thứ 7 – 10 của thai kỳ.

5. Xét nghiệm tiểu đường

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê (Trưởng khoa Phụ Sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) cho biết: Tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm đối với cả thai phụ và thai nhi. Tiểu đường ở thai kỳ có thể gây ra những nguy hiểm như sau:

Đối với mẹ bầu:

  • Bị đa ối làm tử cung to nhanh có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp.
  • Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
  • Tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật.
  • Gây ra tình trạng chuyển dạ kéo dài, sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh.
  • Tỉ lệ mổ lấy thai cao hơn và những nguy cơ do phẫu thuật cũng tăng.
  • Rối loạn lượng đường trong máu nặng có thể đưa đến hôn mê.
  • Dễ xảy ra nhiễm trùng và thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận…

Đối với thai nhi:

  • Tăng tỷ lệ dị tật thai nhi.
  • Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng.
  • Tỷ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2 – 5 lần, thậm chí là bị chết lưu do ngột đường huyết tăng quá cao…

Đối với trẻ sơ sinh được sinh ra bởi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ:

  • Dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin.
  • Dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da nặng và có thể hôn mê.
  • Khi lớn lên trẻ dễ bị béo phì, tiểu đường, cao huyết áp…

Như vậy, việc xét nghiệm tiểu đường để có sự can thiệp hợp lý từ các bác sĩ chuyên khoa. Khi nhắc đến thời điểm làm xét nghiệm tiểu đường, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết: “Tất cả phụ nữ mang thai nên sớm làm xét nghiệm định lượng Glucose và nghiệm pháp đường huyết (Glucose tolerance test – GTT) vào tuần thứ 26-28 để tầm soát tiểu đường thai kỳ”. Ngoài ra, với các mẹ bầu có tiền sử tiền tiểu đường, thừa cân béo phì… thì cần làm các xét nghiệm sớm hơn để xác định mức đường huyết.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng mẹ bầu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác nhằm phát hiện các bất thường để có phương án xử lý kịp thời, đồng thời đó cũng là cách giúp mẹ bầu yên tâm hơn trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu nên thiết lập chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, khám thai định kỳ và chuẩn bị tài chính khi sinh con. Chi phí sinh con là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm lý của mẹ bầu trong giai đoạn này. Đặc biệt với các gia đình có điều kiện kinh tế chưa vững, các khoản đầu tư cho con như: Khám thai, dinh dưỡng cho bà bầu, tiêm phòng, mua sắm đồ cho con, sinh con… có thể khiến mẹ bầu cảm thấy áp lực.

Như vậy trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu nên làm các xét nghiệm cần thiết để để nắm được tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống khoa học để có một thai kỳ khỏe mạnh. Và đừng quên chuẩn bị tài chính vững vàng để chi phí sinh con không trở thành gánh nặng tài chính ảnh hưởng đến tâm lý mẹ bầu.